Gửi đồ từ Nhật Bản về Việt Nam qua đường biển nghe có vẻ khá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên đây lại là hình thức vận chuyển rất quen thuộc đối với những người buôn bán hàng hóa số lượng lớn.
Bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách để có thể gửi hàng hóa, đồ cá nhân từ Nhật Bản về Việt Nam thông qua đường biển.
Nội dung bài viết
- I. Hai cách gửi đồ từ Nhật về Việt Nam thông qua đường biển
- II. Giải đáp những câu hỏi liên quan
- 1. Cước phí tính thế nào?
- 2. Mua thùng các tông để đóng đồ ở đâu?
- 3. Có thể mua thùng của bưu điện để đóng cho chuẩn không?
- 4. Nếu gửi hàng về đến Việt Nam thì có phải đóng thuế không?
- 5. Đồ về tới Việt Nam thì người ta có mang về tận nhà cho mình không?
- 6. Có thể tra xem đồ đang vận chuyển tới đâu rồi không?
I. Hai cách gửi đồ từ Nhật về Việt Nam thông qua đường biển
Cách 1. Mang đồ tới bưu điện gần nhà để làm thủ tục.
– Đóng gói đồ gọn gàng cẩn thận, rút số thứ tự chờ tới lượt để làm thủ tục, lưu ý đặt hành lý gọn gàng tránh làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.
– Điền thông tin vào tờ khai (các bạn có thể tham khảo ở hình phía dưới)
Cách 2: Đăng ký trên trang web hoặc gọi điện thoại cho nhân viên bưu điện tới nhà
Đầu tiên thì bạn cần đăng ký tài khoản trên trang web của bưu điện rồi đăng ký dịch vụ nhân viên bưu điện tới nhà bạn nhận đồ. Link đăng ký → https://mgr.post.japanpost.jp/C20P02Action.do?ssoparam=0&termtype=2 (copy và dán vào trình duyệt). Thông thường thì sau 15-20-30 phút, nhân viên bưu điện tới để tiến hành cân đo, xác nhận thông tin, tính cước phí.
Tới giờ hẹn, có một nhân viên bưu điện sẽ tới nhà đưa cho bạn rất nhiều tờ điền để gửi hàng, bạn nhận lấy và điền thông tin. Nếu có mục nào không biết điền, cứ hỏi thẳng nhân viên bưu điện nhé.
Phần điền thông tin thì bạn có thể xem lại ảnh phía trên
* Một số lưu ý để bạn tiến hành thuận lợi:
- Nhân viên bưu điện sẽ đưa cho mình cả tờ điền gửi đường biển và tờ điền gửi EMS, nên bạn chỉ điền vào tờ gửi đường biển thôi nhé
- Đóng đồ gọn gàng cẩn thận, nếu có đồ dễ vỡ thì cuốn chặt bằng quần áo rồi mới nhét vào, vì trong một tháng rưỡi hai tháng đồ lênh đênh trên biển bị quăng quật rất nhiều
- Tham khảo cách điền thông tin để điền đầy đủ chính xác, tránh trường hợp anh nhân viên ở bước tới nhà bạn rồi lại phải ngồi hướng dẫn và chờ bạn điền. Việc này không chỉ làm mất thời gian của cả 2 bên mà xe bưu điện đậu quá lâu ở ngoài cửa khu nhà bạn rất có thể cũng sẽ ảnh hưởng tới sống gần đó
Tiện đây mình xin chia sẻ tới các bạn một số mẫu câu tiếng Nhật dùng khi gửi đồ
1. ベトナムまで荷物(nimotsu) を送りたいです。- Tôi muốn gửi đồ tới Việt Nam.
2. 船便(funabin) で送りたいです。- Tôi muốn gửi bằng đường biển.
3. いつ頃届きますか? – Khoảng khi nào thì đồ sẽ tới nơi?
4. 中身は古い衣服とシューズと本などです、危険(kiken) なものが入っていないです。- Trong này là quần áo và giày và sách cũ, không có hàng hóa nguy hiểm gì đâu.
II. Giải đáp những câu hỏi liên quan
1. Cước phí tính thế nào?
Truy cập vào link này ước lượng thử nhé các bạn → https://www.post.japanpost.jp/cgi-charge/ (copy và dán vào trình duyệt)
- Nếu gửi 2 kiện nặng X kg và Y kg, thì có phải lấy X+Y=Z rồi tra xem gửi Z kg hết bao nhiêu tiền không?
Không phải vậy đâu nhé, các bạn phải tra xem X kg hết bao nhiêu tiền và Y kg hết bao nhiêu tiền đấy, chứ không gộp vào đâu.
2. Mua thùng các tông để đóng đồ ở đâu?
Không cần mua nhé, các bạn có thể ra siêu thị để lấy, nhưng đừng chọn loại quá nhỏ (sẽ phải chia ra nhiều thùng, đóng gói rất rắc rối và tính tiền sẽ đắt hơn) và cũng đừng chọn loại quá lớn (quá kích thức quy định là không gửi hàng được). Còn kích cỡ thế nào là quá lớn thì bạn vào link này tham khảo xem giới hạn kích thước của bưu điện nhé → https://www.post.japanpost.jp/int/service/i_parcel.html
3. Có thể mua thùng của bưu điện để đóng cho chuẩn không?
Bưu điện không có bán thùng cát tông đựng đồ đâu nên các bạn cần chuẩn bị từ trước nhé.
4. Nếu gửi hàng về đến Việt Nam thì có phải đóng thuế không?
Gửi đồ bằng đường biển là cách làm rẻ tiền nhất, tốn nhiều thời gian nhất, quăng quật khủng khiếp nhất, nên không đảm bảo an toàn cho hàng hóa nhất. Chính về thế, mình khuyên bạn chỉ gửi đồ cũ như sách, giày dép cũ, quần áo cũ… thôi, vừa không sợ hỏng đồ vừa không lo phải nộp thuế. Không nên gửi mỹ phẩm, đồ điện tử, thuốc, thức ăn, sữa,v.v qua đường này nhé, rủi ro hỏng đồ là rất lớn.
5. Đồ về tới Việt Nam thì người ta có mang về tận nhà cho mình không?
Khi hàng về đến Việt Nam, người nhận phải đến tận kho bãi để nhận hàng. Chính vì điều này mà đôi khi gây nên sự bất tiện cho người nhận.
6. Có thể tra xem đồ đang vận chuyển tới đâu rồi không?
Rất tiếc là không thể. Đây là hình thức vận chuyển phí rẻ nên cũng bị hạn chế nhiều dịch vụ tiện ích.
Như vậy, thông qua bài viết này, các bạn đã có thể biết cách để gửi hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam thông qua đường biển rồi. Đây là kinh nghiệm gửi hàng thực tế của một bạn trên Facebook, link bài viết gốc: https://www.facebook.com/230013234000047/posts/862494234085274?s=1034158156&sfns=mo