(Nhân Lực Toàn Cầu) – Tìm hiểu thông tin chi tiết về các thị trường xuất khẩu lao động, tham khảo dịch vụ tại nhiều công ty môi giới, liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ… là những việc làm cần thiết để giảm bớt những rủi ro khi đi xuất khẩu lao động.
- Rộng đường xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản
- Một số thị trường XKLĐ mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19
Nội dung bài viết
Vấn nạn lừa đảo xuất khẩu lao động
Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng môi giới lợi dụng nhằm lừa bịp khiến người lao động (NLĐ) mất tiền. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, hiểu biết hạn chế về pháp luật của NLĐ, những đối tượng này đã làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nhiều nước để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng còn dụ dỗ NLĐ đi XKLD “chui” thông qua kênh đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả rồi trốn lại lao động bất hợp pháp.
Các biện pháp phòng tránh
Dưới đây là những việc NLĐ cần thực hiện trước khi đi XKLĐ để tránh những rủi ro không mong muốn
Tìm hiểu kỹ các quy định
Nhằm giúp NLĐ tránh được những rủi ro trong quá trình tìm kiếm doanh nghiệp (DN) XKLĐ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khuyên NLĐ trước tiên, cần tìm hiểu kỹ giấy phép hoạt động của công ty XKLĐ bởi chỉ những DN được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cấp phép hoạt động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng mới được tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, NLĐ có thể đề nghị để được xem bản sao giấy phép hoạt động, qua đó kiểm chứng thời gian hoạt động của công ty.
Tiếp theo, NLĐ cần chú ý xem công ty đó có đủ cơ sở vật chất theo quy định hay không. Một công ty uy tín phải có địa chỉ rõ ràng, công khai địa điểm, trụ sở và địa bàn tuyển dụng. Có đủ các phòng ban chức năng, có cơ sở giảng dạy và có đội ngũ giảng viên… Ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ phận phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng những lời tư vấn đại loại như “vấn đề sức khỏe không quan trọng” là một kiểu thông tin mập mờ nhằm đưa NLĐ vào bẫy. Thực tế, nếu không đủ điều kiện sức khỏe theo quy định thì NLĐ không thể ra nước ngoài làm việc.
Do đó, ông Khánh khuyên NLĐ phải tìm hiểu thật kỹ các quy định về sức khỏe của nước tiếp nhận, tránh nghe những lời tư vấn thiếu cơ sở từ các đối tượng có ý định lừa đảo. Thêm nữa, cam kết “bao đỗ đơn hàng” là lời hứa hão bởi các nước tiếp nhận lao động nước ngoài đều có những quy định khắt khe để tránh rủi ro. Do vậy, nếu không đáp ứng các tiêu chí của nước sở tại đưa ra, cánh cửa để NLĐ sang nước họ làm việc sẽ đóng lại. Cho nên đừng bao giờ nghe những lời hứa hẹn bao đậu. “Trước khi đặt bút ký vào hợp đồng, NLĐ hãy dành thời gian để đọc lại kỹ lưỡng những thông tin liên quan để có thể bảo đảm hợp đồng được thực hiện có sự nhất trí từ 2 bên. Đây là một việc rất quan trọng để ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên” – ông Khánh lưu ý.
Tìm hiểu nguồn thông tin chính thống
Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc chi nhánh TP HCM – Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Pitsco (quận Tân Bình), nhìn nhận việc lừa đảo người học, người đi XKLĐ xét nhiều góc độ cũng có phần lỗi của người bị lừa bởi “sức đề kháng” của họ chưa cao. “Về phía NLĐ, tôi nghĩ rằng một khi đã quyết định ra nước ngoài làm việc, thực tập hay học nghề thì việc đầu tiên, quan trọng nhất là phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin về chương trình mình muốn tham gia, đất nước mình sẽ đến. Những thông tin này nên tìm từ các nguồn chính thống như trang thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB-XH, của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) và báo chí. Tiếp đến là các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để được tư vấn chi tiết. Tuyệt đối không nghe những người không có chức năng, không có chuyên môn kể cả người thân để tránh việc hiểu sai lệch về chương trình” – ông Thanh nói.
Ông Thanh dẫn ví dụ như chương trình du học nghề sang CHLB Đức. Đây là chương trình đi học và làm việc lâu dài tại Đức rất hay hiện nay và cũng là chương trình NLĐ “sập bẫy” nhiều nhất bởi họ không chịu tìm hiểu kỹ. Các cấp trình độ về tiếng Đức, mức lương học nghề, lương đi làm chính thức, thuế, nhà ở, phí sinh hoạt… là những “công cụ” mà những đơn vị lừa đảo tận dụng để lừa người học. “Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, khi bạn đến làm việc thì phải thông thạo tiếng của họ mới có thể hòa nhập. Do đó, nếu cứ nghe những lời rao như chỉ cần trình độ tiếng thấp nhất có thể đi được là bạn đã bị lừa rồi” – ông Thanh nói thêm.
Bộ LÐ-TB-XH khuyến cáo NLĐ khi có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các đơn vị nhận hồ sơ. Hiện nay, trên trang thông tin của Dolab, Bộ LÐ-TB-XH đăng tải đầy đủ tên các đơn vị được cấp phép đưa người đi lao động tại nước ngoài cũng như thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, NLĐ cần lưu ý tất cả công ty XKLĐ đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho NLĐ. Khi ký hợp đồng lao động, NLĐ cần yêu cầu công ty XKLĐ ký trực tiếp với mình. Hợp đồng cần ghi rõ nơi làm việc (công ty, nhà máy, công trường… ở các nước). Nếu không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này trong hợp đồng thì nhiều khả năng công ty đó đang lừa đảo.
Tin từ: Báo Người Lao Động