Tối ngày 18/10, thủ tướng Nhật Bản ông Suga Yoshihide cùng phu nhân đã chính thức sang thăm Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga mang ý nghĩa lớn không chỉ đối với quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản, mà còn là một thông điệp về hợp tác quốc tế.
Tháp tùng thủ tướng trong chuyến công du lần này có nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Sakai Manabu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Mori Takeo, Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Kitamura Shigeru…
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga kể từ khi ông chính thức thay cựu thủ tướng Abe Shinzo hồi giữa tháng 9. Giới quan sát cho rằng việc ông Suga chọn thăm Việt Nam đầu tiên phản ánh thực tế thủ tướng Nhật đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
Chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản, Việt Nam cũng như các nước đều tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế để hồi phục sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Báo Nikkei ngày 18-10 nhận định chuyến đi của ông Suga nhiều khả năng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, tranh thủ sự hợp tác này trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa và kết nối với nhiều nền kinh tế lớn.
Nikkei lưu ý Việt Nam đang có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), gọi là EVFTA. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán hiệp định tương tự với Anh, trong khi Mỹ cũng đang thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam. Tờ báo Nhật Bản nhận định Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát ca mắc COVID-19 “tốt hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác”.
Giới quan sát cũng kỳ vọng chuyến đi Việt Nam và Indonesia của ông Suga sẽ cung cấp thêm chất liệu để hình dung về chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ông. Chính sách này đã được hé lộ một phần trong lần Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Tokyo hồi đầu tháng 10, nơi lần thứ hai “Bộ tứ kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc gặp gỡ chính thức trong hai năm qua.
Nhiều ý kiến đến nay cho thấy Nhật Bản đang muốn thay đổi cách tiếp cận với QUAD – một nhóm không chính thức đang thúc đẩy hợp tác an ninh với nhau. Tokyo được cho đang muốn đa dạng hóa khuôn khổ hợp tác này, lấy trọng tâm là mối quan hệ của Nhật với các nước Đông Nam Á.
Theo Nikkei, chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Tokyo muốn thúc đẩy mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, một bên là đồng minh an ninh quan trọng, một bên là đối tác thương mại lớn nhất.
Hiện nay Nhật Bản được cho đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, thông qua việc mang sản xuất về nước và dịch chuyển sang Đông Nam Á nhiều hơn. Nikkei cũng cho rằng ông Suga có khả năng sẽ công bố việc mở rộng chi nhánh sản xuất của các công ty Nhật Bản ở Đông Nam Á trong chuyến đi này.
Reuters lưu ý hiện nay Việt Nam đang là lựa chọn phổ biến đối với các công ty Nhật. Trong 30 công ty Nhật hưởng chương trình ưu đãi 23,5 tỉ yen (223,28 triệu USD) của chính phủ vừa qua đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hướng về Đông Nam Á, có một nửa đã nhắm tới Việt Nam.
Ngoài ra, theo Chánh Văn phòng Nội các Kato, Thủ tướng Suga và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhấn mạnh hợp tác cho hàng loạt cuộc họp và sự kiện liên quan tới Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng tới.
Có thể thấy Thủ tướng Suga hiện có xu hướng mở rộng hợp tác và tránh tạo cảm giác phải chống lại Trung Quốc hay bất kỳ bên thứ ba nào khác, và điều này cũng phù hợp với lựa chọn chiến lược hợp tác của ASEAN. Nói như chuyên gia Scott Harold tại Trung tâm chính sách về châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Rand Corp), cách tiếp cận của Nhật Bản là nhất quán, điềm tĩnh và thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình mà không yêu cầu các nước phải thể hiện việc chống Trung Quốc.
Theo: Báo Tuổi trẻ