Thông tin 3 công ty được phép đưa người đi XKLĐ Hy Lạp

Thông tin 3 công ty được phép đưa người đi XKLĐ Hy Lạp

  • Thông tin đơn hàng
  • Số lượng:
  • Độ tuổi:
  • Lương:
  • Thi tuyển:
  • Công việc:
  • Nơi làm việc:
  • Thời hạn hợp đồng:

Hy Lạp là một thị trường xuất khẩu lao động vô cùng mới mẻ đối với người lao động Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên sự quan tâm của người lao động với thị trường XKLĐ này là rất lớn. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã Hội vừa thông báo đã chấp thuận để 3 doanh nghiệp tạo nguồn lao động đi làm việc tại Hy Lạp.

Bộ LĐTB&XH đang hướng đến việc mở rộng các thị trường XKLĐ chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa thông tin một số nội dung về việc tổ chức triển khai đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp (xuất khẩu lao động Hy Lạp).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 3 doanh nghiệp được chuẩn bị nguồn theo hợp đồng cung ứng đã ký với đối tác Liên minh Hợp tác nông nghiệp quốc gia Hy Lạp (Etheas) để cung ứng lao động đi làm việc tại Công ty Berryplasma World LLC (Hy Lạp).

Cả 3 công ty không được thu bất kỳ khoản tiền nào của người lao động trước khi hợp đồng cung ứng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và người lao động đã ký hợp đồng đi làm việc tại Hy Lạp. 3 doanh nghiệp này gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và cung ứng nhân lực CIP.CO (CIP.CO HR), Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại BBC Group (BBC Group., Jsc) và Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp).

Ngành nghề đi làm việc tại Hy Lạp là nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản). Thời hạn hợp đồng lao động là 2 năm, thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần với mức lương cơ bản 803 EUR/tháng. Người sử dụng lao động sẽ chi trả vé máy bay từ Việt Nam đến Hy Lạp và từ Hy Lạp về Việt Nam sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng.

Về yêu cầu kỹ năng nghề, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 3 công ty dự kiến không tổ chức đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động (tuyển lao động ngành nông nghiệp đã có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghề).

Đối với trình độ ngoại ngữ, 3 công ty sẽ tự tổ chức đào tạo tiếng Anh cho những người lao động chưa hoặc có trình độ tiếng Anh chưa cơ bản và không thu học phí, chỗ ở của người lao động trong thời gian tham gia khóa học.

Thời gian chuẩn bị nguồn lao động từ tháng 7 đến tháng 9/2023.

Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra thông báo về việc các doanh nghiệp được chấp thuận chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động sẽ được thông tin trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn) để người lao động chủ động đăng ký tham gia, đảm bảo đúng doanh nghiệp, đúng địa chỉ tuyển chọn; chủ động phòng ngừa các đối tượng trung gian, môi giới bất hợp pháp.

Do Hy Lạp là thị trường mới nên Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường công tác quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại quốc gia này trong khi hai nước chưa ký kết thỏa thuận nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp tổ chức chuẩn bị nguồn, hoặc đưa người lao động đi làm việc tại Hy Lạp khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Trước đó, trong các chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam và Hy Lạp của lãnh đạo cấp cao hai nước, phía Việt Nam đã trao đổi với Hy Lạp về việc hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp. Hy Lạp cũng đánh giá cao trình độ, kỹ năng nghề và ý thức tổ chức, kỷ luật của lao động Việt Nam và thống nhất hai bên sớm đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động.

Để triển khai nội dung làm việc của lãnh đạo hai nhà nước, cơ quan chức năng hai bên đang tích cực thúc đẩy trao đổi, đàm phán để ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động.

Người lao động nước ngoài đến Hy Lạp làm việc theo diện visa D (visa dài hạn từ 3 tháng trở lên đến 12 tháng và có thể gia hạn tại chỗ không quá 5 năm).

Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, Bộ LĐTB&XH đang hướng đến việc mở rộng các thị trường chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, trong đó châu Âu là một thị trường tiềm năng.

Bộ cũng đang thí điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số quốc gia phát triển. Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra, như Australia, New Zealand, Đức, Czech, Slovakia, Romania, Nam Phi, Canada… Đây đều là những thị trường có thu nhập cao và mang lại môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Theo: Báo Chính phủ

Theo dõi
Thông báo
guest
0 Lượt bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận